CHIM YẾN LẬP KỶ LUẬT DI CƯ

Nội dung bài viết

Nghiên cứu mới của Đại học Lund cho thấy chim yến có thể bay hơn 830 km mỗi ngày, kỷ lục về tốc độ di cư ở các loài chim. 

Vũ yến hay yến (Apodidae) nổi tiếng là một trong những họ chim nhanh nhẹn và di cư nhiều nhất. Khi không sinh sản, chúng dành hầu hết thời gian – lên đến 10 tháng mỗi năm – bay lượn trên không trung, kể cả lúc ngủ và giao phối. Ước tính, một con chim yến thường (Apus apus) di chuyển hai triệu km trong đời, gấp 5 khoảng cách từ Trái Đất lên Mặt Trăng.

Một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí iScience hôm 20/5 tiết lộ rằng chim yến thường có thể bay hơn 830 km mỗi ngày, vượt xa ước tính trước đây là khoảng 570 km, một kỷ lục ở các loài chim.

Để rút ra kết luận này, các nhà sinh vật học từ Đại học Lund của Thụy Điển đã sử dụng công nghệ theo dõi thu nhỏ dựa trên định vị địa lý bằng ánh sáng để ghi lại hành trình di cư của các đàn chim yến tại một trong những địa điểm sinh sản xa xôi nhất về phía bắc ở châu Âu. Vì những con chim nhỏ này rất trung thành với nơi sinh sản của chúng, nhóm nghiên cứu có thể thu hồi nhiều thiết bị theo dõi sau một mùa di cư.

“Chúng tôi nhận thấy những con chim yến ở phần phía bắc của phạm vi sinh sản châu Âu thực hiện các đợt di cư nhanh nhất được ghi nhận cho đến nay. Chúng duy trì tốc độ hơn 830 km mỗi ngày trong một khoảng cách đáng kể, trung bình khoảng 8.000 một chiều vào mùa xuân, bằng cách sử dụng chiến lược di chuyển hỗn hợp thông qua việc kiếm ăn liên tục trong quá trình bay và tại các điểm dừng chân, có nghĩa là chúng nạp năng lượng mỗi ngày một chút”, tác giả chính của nghiên cứu Susanne Åkesson từ Đại học Lund của Thụy Điển cho biết.

Chiến lược này cho phép chim yến không cần nạp quá nhiều thức ăn một lúc để tích trữ năng lượng, điều đó giúp giảm hao tổn sức và làm tăng tốc độ di chuyển thực tế, nhóm nghiên cứu giải thích. Ngoài ra, chim yến còn biết lựa chọn thời điểm khởi hành để quá trình bay của chúng thuận gió nhất.

Không rõ bằng cách nào mà chim yến có thể dự báo gió và đưa ra quyết định dựa trên nó, nhưng Åkesson gợi ý rằng chúng có thể dựa vào áp suất không khí liên quan đến các hệ thống thời tiết đi qua.

Trong giai đoạn tiếp theo, nhóm nghiên cứu muốn tiếp tục theo dõi những đàn chim yến ở các khu vực khác nhau trên thế giới với hy vọng hiểu rõ hơn về sự thích nghi sinh lý hỗ trợ lối sống di động cao của chúng.

Nguồn: Đoàn Dương – Báo VNEXPRESS

Nội dung bài viết